Giải pháp kỹ thuật số cho những thách thức về tính bền vững

Chúng ta đang trải qua làn sóng tăng trưởng đô thị lớn nhất trong lịch sử. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ 15% dân số thế giới sống ở các thành phố. Hiện tại, con số này là hơn 50% - và đến năm 2050, dự kiến 68% trong số 9 tỷ người trên thế giới sẽ là cư dân thành phố.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra này đưa ra một loạt thách thức và cơ hội riêng cho các thị trấn và thành phố, và cư dân đô thị. Với hơn 80% GDP toàn cầu được tạo ra ở các thành phố, dân số đô thị ngày càng tăng mang lại tiềm năng tăng trưởng đáng kể về kinh tế, đổi mới và phát triển.

Tuy nhiên, những lợi ích này không được đảm bảo. Để khai thác những tác động tích cực của việc dân số ngày càng tăng ở thành phố, có nhiều thách thức cần phải giải quyết, bao gồm cả việc cạn kiệt tài nguyên, gia tăng ô nhiễm và dân số quá đông. Do vậy, các nhà chức trách nên xem xét các tiêu chuẩn để giúp các thành phố đạt được tiềm năng trong tương lai.

Làn sóng dân cư nhanh chóng đổ vào các khu vực đô thị gây áp lực lên cơ sở hạ tầng địa phương, khiến các chính phủ không thể cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người. Nhu cầu về nhà ở tăng lên, dẫn đến tình trạng quá tải gây áp lực  cho các nguồn tài nguyên vốn đã căng thẳng, chẳng hạn như năng lượng và nước.

Các vấn đề về vệ sinh, bao gồm cả việc thiếu các phương pháp xử lý chất thải thích hợp, tạo ra nhiều mối nguy cho sức khỏe người dân - như ô nhiễm không khí do tắc nghẽn giao thông. Nguy cơ về các hiểm họa môi trường, như lũ quét, cũng tăng lên do nguyên nhân biến đổi khí hậu, mà vấn đề biến đổi khí hậu và các thành phố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: các thành phố tiêu thụ gần 2/3 năng lượng của thế giới và thải ra hơn 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.

Nếu không có chiến lược quy hoạch đô thị thì sẽ gây nguy cơ, đe dọa đến sự tăng trưởng bền vững và tiến bộ, là vấn đề quan trọng đối với sự thịnh vượng của đô thị. Quản lý sự phân bố của các nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, cũng như quản lý chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng và giao thông của đô thị, là một thách thức lớn mà các thành phố phải thừa nhận và hiểu rõ.

Điều này đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng và quy hoạch dài hạn, đó là lý do tại sao khái niệm đô thị thông minh ngày càng có tầm quan trọng đối với các nhà lãnh đạo thành phố và các nhà quy hoạch đô thị. Đô thị thông minh cung cấp giải pháp hiệu quả cho những thách thức trong bối cảnh đô thị hiện tại và tương lai, sử dụng công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số để tối ưu hóa các chức năng của thành phố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện tính bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các tiêu chuẩn này, chẳng hạn như PD 8100 và PAS 182 giúp các cơ quan chức năng triển khai các khái niệm đô thị thông minh, cho phép các cơ quan quản lý và tổ chức giải quyết các vấn đề ở các cấp độ khác nhau và phục vụ tốt hơn nhu cầu của công dân đô thị.

Trong đô thị thông minh, các hệ thống riêng lẻ của đô thị có tính tích hợp cao, không những trong nội bộ riêng lẻ mà còn tich hợp giữa các hệ thông với nhau. Điều này có nghĩa là họ có thể liên tục cung cấp những gì tốt nhất cho khu vực địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, chương trình nghị sự của đô thị thông minh không chỉ dành cho các đô thị chủ chốt; nó cũng quan trọng đối với các thành phố và thị trấn nhỏ hơn.

Ở Barcelona, ​​các công viên của thành phố sử dụng công nghệ cảm nhận và kiểm soát từ xa việc tưới tiêu trong công viên cũng như nước trong các đài phun nước công cộng. Chỉ riêng chương trình này đã gia tăng khả năng bảo tồn nước của thành phố lên đến 25%, tiết kiệm khoảng 472.000-euro một năm. Trong khi đó, Copenhagen có kế hoạch trở thành thủ đô trung hòa cacbon đầu tiên trên thế giới chậm nhất là đến năm 2025, sử dụng các sáng kiến ​​đô thị thông minh như mạng lưới sưởi ấm và làm mát thông minh theo khu vực.

Xây dựng các đô thị thông minh và bền vững đòi hỏi phải có kế hoạch và phân phối chiến lược hiệu quả. Các thành phố khác nhau sẽ có tầm nhìn khác nhau, phản ánh nhu cầu và hoàn cảnh của các nhóm dân cư khác nhau của họ. Phương pháp tiếp cận dựa trên tiêu chuẩn giúp công dân và các nhà lãnh đạo thích ứng và đổi mới thành công.

Các tiêu chuẩn đô thị thông minh cung cấp cho lãnh đạo thành phố các công cụ cần thiết để phát triển và đưa ra các chiến lược thành phố thông minh của riêng họ. Ví dụ: tiêu chuẩn ISO 37106 đưa ra hướng dẫn về việc thiết lập chiến lược độc đáo của thành phố, đặt người dân vào trung tâm và giúp thành phố quản lý tài sản kỹ thuật số của mình để tạo ra các dịch vụ hiệu quả và mang lại sự thay đổi. Trong khi đó, ISO 37101 cho phép tạo ra các chiến lược bền vững cụ thể, thông qua việc cung cấp một hệ thống quản lý giúp các thành phố ưu tiên các mục tiêu và hành động của họ.

Do đó, các tiêu chuẩn có thể giúp loại bỏ rủi ro, cắt giảm chi phí và giúp các nhà lãnh đạo dễ dàng phát triển và quản lý các thị trấn và thành phố một cách có hiệu quả đồng thời chuẩn bị cho những thách thức phía trước. Đô thị hóa cần được coi là cơ hội để tận dụng, nâng cao đời sống của người dân và giúp các trung tâm đô thị đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Việc sử dụng các tiêu chuẩn sẽ cho phép các cá nhân và các nhóm dẫn đầu, khi các thị trấn và thành phố thông minh của họ trở thành chuẩn mực của tương lai.